Điểm đến của những người yêu công nghệ

Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch phượt. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch phượt. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

Kinh nghiệm du lịch phượt Y Tý

Y Tý nằm ở độ cao trên 2.000m, lưng tựa vào dãy núi Nhìu Cồ San mà đỉnh của nó cao tới 2.660m, gần như quanh năm mây phủ. Mặt trời chốn ấy có lẽ ít có ngày được tỏa sáng cả 12 tiếng. Đường lên Y Tý là những con đường mòn vạch ngoằn ngoèo rồi chỉm nghỉm trong đám lá rừng, những ngôi nhà thấp thoáng trong mây. Có phải vì thế mà khi tới Y Tý, nhiều người cảm thấy như mình đang bước vào một thế giới khác, tách biệt với trần gian.

Thời gian thích hợp để đi Y Tý
Lên Y Tý vào những ngày trời lạnh nhưng khô sẽ dễ gặp mây hơn (Ảnh – Quỷ Cốc Tử)

Y Tý có 3 khoảng thời gian khá được các bạn trẻ yêu thích đó là mùa lúa chín từ khoảng tuần thứ 3 của tháng 8 cho đến giữa tháng 9 ,mùa săn mây vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 4 hàng năm và mùa nước đổ vào khoảng tháng 5 đến tháng 6. Ngoài ra, vào những năm thời tiết lạnh, Y Tý cũng là một điểm có khả năng có tuyết rơi cùng với Sa Pa và Mẫu Sơn.
Mùa lúa chín của Y Tý sớm hơn so với các vùng khác

Phương tiện đi lại khi phượt Y Tý
Từ Hà Nội bạn có thể mua vé tàu lên Lào Cai hoặc bắt xe khách giường nằm lên Lào Cai (hoặc Sa Pa). Từ Lào Cai (Sa Pa) để di chuyển vào Y Tý phải sử dụng phương tiện xe máy. Bạn có thể lựa chọn mang xe máy theo từ Hà Nội hoặc thuê xe máy tại Sa Pa. Đường vào Y Tý hiện nay cơ bản đã khá đẹp và thuận tiện đi khi trời khô, nếu trời mưa thì đoạn Ngải Thầu – Y Tý hơi khó đi.

Nhà nghỉ và quán ăn ở Y Tý
- Nhà chị Mỷ  020 3501320
- Nhà cô Si  0127 456667 (có nấu ăn luôn)
- Nhà nghỉ Minh Thương (đối diện chợ Y Tý)  0916 729534 – 0948 840483
- Nhà nghỉ A Hờ  01255751173
- Nhà nghỉ Anh Thắng 020 3501310
- Đồn biên phòng Y Tý

Quán ăn tại Y Tý
- Quán ăn chị Lệ 01244413718
- Quán Vọng Hằng (nhà thứ 2 từ cổng chợ) 020 3501299
Chú ý là trước khi đến Y Tý các bạn nên gọi điện cho quán ăn từ hôm trước để sáng hôm sau họ còn đi chợ và chuẩn bị đồ ăn. Cũng như các vùng cao Tây Bắc khác, đến Y Tý các bạn có thể thưởng thức món lợn cắp nách, gà chạy bộ, rau cải mèo … đây là những món ngon và dễ ăn cho mọi người.

Một số địa điểm đẹp ở Y Tý


Mốc 92 – Ngã 3 Lũng Pô

Đây là ngã 3 nơi sông Nguyên Giang (Trung Quốc) gặp dòng Lũng Pô trên đất Việt Nam, hòa mình vào nhau và chảy vào đất Việt với tên gọi Sông Hồng. Đây cũng là nơi có mốc 92 (gồm 3 mốc là 92(1), 92(2) và 92(3) biên giới Việt Nam Trung Quốc. Mốc đặt phía Việt Nam là mốc 92(1), 2 mốc còn lại đặt trên bờ sông phía Trung Quốc
Mốc 92, biên giới Việt Nam – Trung Quốc nằm tại Lũng Pô, Bát Xát, Lào Cai
Tọa độ GPS của mốc 92
Đầu năm 2011, huyện Bát Xát đặt một tấm bia ở Lũng Pô, nơi dòng suối Lũng Pô hoà vào dòng sông Hồng chảy vào đất Việt. Trên tấm bia khắc hai chữ “Lũng Pô” và câu thơ nổi tiếng của Dương Soái “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”
Vị trí ngã 3 sông nơi Nguyên Giang của Trung Quốc hòa cùng dòng Lũng Pô của Việt Nam và chảy vào đất Việt với tên Sông Hồng


Mốc biên giới Việt Nam – Trung Quốc
Mốc 93(2) biên giới Việt Nam – Trung Quốc
Dọc tuyến đường từ Bát Xát đến Y Tý bạn có thể gặp khá nhiều mốc trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam Trung Quốc (đoạn qua tỉnh Lào Cai). Nếu là một người ưa thích mốc, các bạn có thể xem thông tin về tọa độ các cột mốc trong bài viết Mốc biên giới Việt Nam – Trung Quốc ở Lào Cai để có thêm thông tin cho hành trình phượt Y Tý của mình.

Cầu Thiên Sinh
Cầu Thiên Sinh
Cầu Thiên Sinh nằm ở cuối thôn Lao Chải, cách trung tâm xã Ý Tý gần chục km. Theo tiếng dân tộc Hà Nhì, cầu có tên là Thiên Sân Shù, dịch nghĩa là “trời sinh”. Sở dĩ gọi vậy là vì đây là cây cầu rất đặc biệt. Cầu chỉ ngắn chừng 1m, trước đây là một tảng đá tự nhiên bắc qua khe sâu hun hút dưới là dòng suối Lũng Pô gầm gào tung bọt trắng xóa. Từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước, qua sự vận động kiến tạo địa chất, khối đá khổng lồ đã bị nứt ra tạo thành khe đá này.

Mốc 87(2), phía sau là cầu Thiên Sinh nối liền Việt Nam – Trung Quốc
Đây cũng là biên giới giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Theo thời gian, hòn đá bắc qua khe sâu cứ mòn lõm dần đi, người dân qua đây phải bắc những thanh gỗ làm cầu rồi xây cầu bê tông như bây giờ. Đứng trên cầu nhìn xuống, người thần kinh vững mấy cũng có cảm giác chóng mặt, bởi dưới vực đá sâu là dòng suối Lũng Pô ngày đêm gầm vang tiếng sóng nước xô vào ghềnh đá. Từ dưới nhìn lên thấy vách đá dựng đứng gần trăm mét, giữa khe sâu dòng nước như con ngựa bất kham hí vang, tung vó, “bờm sóng” đổ xuống ào ạt. Những tảng đá lớn, nhỏ được dòng nước mài giũa nhẵn bóng đủ các hình thù tầng tầng, lớp lớp. Có lẽ chính vì sự hùng vỹ này mà dòng suối có tên gọi Lũng Pô, tức là Rồng bố, rồng thiêng trên thượng nguồn “cửa thác” Bát Xát.

Đường A Lù –  Ngải Thầu và Y Tý -Mường Hum



Thôn Phan Cán Sử

Là một trong 2 thôn cao nhất của vùng biên Y Tý, cách trung tâm xã khoảng 6km với đường vào phải vượt qua khá nhiều con dốc. Từ Phan Cán Sử bạn có thể nhìn bao quát cảnh đẹp của Y Tý.

Thôn Hồng Ngài
Thôn Hồng Ngài của xã Y Tý
Hồng Ngài là thôn xa nhất của xã Y Tý nằm sát với biên giới Trung Quốc. Nhiều người hiểu nhầm bản Hồng Ngài này là bản Hồng Ngài trong “Vợ Chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài nhưng thực ra không phải, Hồng Ngài trong “Vợ chồng A Phủ” là ở huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Tuy là thôn xa nhất của xã Y Tý nhưng người dân Hồng Ngài có cuộc sống cũng tương đối ổn bởi đây là thôn trồng khá nhiều thảo quả, một loại nông sản mang lại giá trị cao.

Thôn Lao Chải, Sim San
Từ trung tâm xã, để đến được Hồng Ngài sẽ đi qua các thôn Lao Chải 1, Lao Chải 2, Sim San 1, Sim San 2. Các bản Lao Chải là bản của người Hà Nhì, các bản Sin San là bản của người Dao đỏ.

Nhà Trình Tường là đặc trưng của người dân nơi đây

Một số lịch trình đi Y Tý tham khảo

Lịch trình đi 2 ngày 3 đêm ( Ô tô + thuê xe máy)
Ngày 1 : Tối thứ 6 bắt xe khách giường nằm lên Lào Cai
Ngày 2 : Lào Cai – Bát Xát (11km) – Trịnh Tường (26km) – Lũng Pô (19km) – A Mú Sung (7km) – A Lù (7km) – Ngải Thầu (5km) – Y Tý (7km)
Ngày thứ 2 này sẽ mất khoảng gần 1 ngày cho quãng đường 80km, các địa điểm có thể dừng chân bao gồm mốc 92 – nơi sông Hồng bắt đầu chảy vào Việt Nam, đoạn đường từ A Lù đi Y Tý vào mùa lúa sẽ đẹp mê hồn, cầu Thiên Sinh (mốc 87) nối với Trung Quốc, chiều nếu còn sớm có thể đi theo vào một số thôn như Sín Chải, Lao Chải hoặc xa hơn là Hồng Ngài (cách xã Y Tý 9km)
Ngày 3 :  Có 2 lựa chọn là về Sa Pa hoặc đi đường Bản Xèo về Bát Xát rồi về lại Tp Lào Cai
Option 1 : Y Tý – Dền Sáng (29km) (hoặc Dền Thàng, đường nào cũng về Mường Hum) – Mường Hum (10km) – Sa Pa (42km)
Option 2 :  Y Tý – Dền Sáng (29km) (hoặc Dền Thàng, đường nào cũng về Mường Hum) – Mường Hum (10km) – Bản Vược – Bát Xát – Lào Cai
Ngày thứ 3 này sẽ đi dọc theo rừng nguyên sinh ở Y Tý, chính là con đường từ Y Tý về Mường Hum, nếu đi vào ngày chủ nhật sẽ đúng phiên chợ Mường Hum



Rẽ theo hướng đi Lũng Pô để tới mốc 92, nơi con sông Hồng chảy vào Việt Nam
Đến đây thì rẽ theo hướng đi A Lù
Nếu đi từ hướng Sa Pa chạy dọc theo đèo Ô Quy Hồ đến biển báo này thì đi theo hướng Bản Xèo vào Mường Hum
đến đây thì rẽ theo hướng để đi Y Tý

Lịch trình kết hợp phượt Mù Cang Chải

Ngày 1 : Tối thứ 6 bắt xe khách giường nằm lên Lào Cai
Đặt vé trước và khởi hành từ Mỹ Đình, bạn cũng có thể chọn đi tàu hỏa nhưng thời gian sẽ đi lâu hơn ô tô (8 tiếng đi tàu hỏa và khoảng 4-5 tiếng đi ô tô)
Ngày 2 : Lào Cai – Bát Xát (11km) – Trịnh Tường (26km) – Lũng Pô (19km) – A Mú Sung (7km) – A Lù (7km) – Ngải Thầu (5km) – Y Tý (7km)
Ngày thứ 2 này sẽ mất khoảng gần 1 ngày cho quãng đường 80km, các địa điểm có thể dừng chân bao gồm mốc 92 – nơi sông Hồng bắt đầu chảy vào Việt Nam, đoạn đường từ A Lù đi Y Tý vào mùa lúa sẽ đẹp mê hồn, cầu Thiên Sinh (mốc 87) nối với Trung Quốc, chiều nếu còn sớm có thể đi theo vào một số thôn như Sín Chải, Lao Chải hoặc xa hơn là Hồng Ngài (cách xã Y Tý 9km)
Ngày 3 :  Y Tý – Dền Sáng (29km) (hoặc Dền Thàng, đường nào cũng về Mường Hum) – Mường Hum (10km) – Ô Quy Hồ (35km) – Than Uyên (90km) – Mù Cang Chải (50km)
Ngày này nếu vào chủ nhật các bạn có thể tham dự chợ phiên Mường Hum, đi qua một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc là Ô Quý Hồ và dừng nghỉ tại thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
Ngày 4 : Mù Cang Chải – Đèo Khau Phạ – Tú Lệ – Nghĩa Lộ – Thanh Sơn – Sơn Tây – Hà Nội
Ngày kết thúc của hành trình bạn sẽ lại chinh phục tiếp con đèo thứ 2 trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc là đèo Khau Phạ, ngắm ruộng bậc thang trên cánh đồng Tú Lệ rồi trở về Hà Nội.

Share: